Giao thừa - thời khắc linh thiêng chiếm vị trí quan trọng trong lòng mỗi người, đây cũng là lúc người dân tiễn vị quan Hành khiển cũ và đón vị Hành khiển mới. Và sự thiêng ấy được thực hiện bằng lễ Trừ tịch.
Ý nghĩa của lễ Trừ tịch
Trừ - nghĩa là "trao lại chức quan", Tịch - nghĩa là "ban đêm". Trừ tịch tức là đêm ngày cuối của tháng Chạp hàng năm, là lúc năm cũ kết thúc, năm mới bắt đầu. Sau khi tiễn ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, không khí Tết mới thực sự rộn ràng. Và từ lúc đó cho đến ngày 30 Tết, mọi sự chuẩn bị của người dân, dù đi chợ Tết hay dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cỗ bàn cũng đều để dành hướng vọng về đêm 30, đón Giao thừa.
Chuyện "trao lại chức quan" này theo quan niệm dân gian vì có 12 vị quan Hành khiển mà mỗi vị đó lại phụ trách một năm luân phiên nhau từ năm Tý đến năm Hợi vừa đủ 1 vòng 12 năm. Khi nào hết một vòng con giáp lại quay trở lại.
Chính vì thế, lễ Trừ tịch vào ngày 30 này chính là để cúng hai vị Hành khiển, một vị cai quản năm cũ và một vị đương nhiệm năm mới mang ý nghĩa "tống cựu nghinh tân" - tiễn cũ đón mới. Phan Kế Bính cũng nhắc đến trong Việt Nam phong tục rằng: "Trừ tịch là chiều hôm trừ hết năm cũ mà sang năm mới. Lại có nghĩa là ngày trừ khử ma quỷ". Cũng theo đó, ý nghĩa của lễ này là đem tống tiễn hết những điều xui rủi, cũ kỹ của năm vừa qua và nghênh cửa đón những điều mới mẻ, tốt đẹp của năm sắp tới.
Trong 12 vị quan Hành khiển này, có quan niệm cho rằng, các vị sẽ luân phiên trông coi việc dưới trần gian, điều lành hay điều dữ sẽ do các vị dâng tấu với Ngọc Hoàng, dựa vào đó mà ban phúc hay giáng họa trừng phạt con người.
Cũng có quan điểm cho rằng, trong các vị Hành khiển này, có vị "Thiện", vị "Ác", vị quan tốt và vị quan xấu. Nếu là năm đón vị Hành khiển tốt, hạ giới sẽ được bình an, may mắn và ngược lại, nếu đón vị Hành khiển ác, lười biếng thì nhân gian gặp họa nhiều hơn phúc. Tuy quan điểm khác nhau là vậy nhưng người ta lại nghiêng về quan niệm đầu tiên hơn.
Chính vì tôn thờ vị quan Hành khiển như vậy nên người xưa cũng cử Hành lễ Trừ tịch rất long trọng từ triều đình đến dân thường. Nói đâu xa, dưới thời Nguyễn, thời vua Gia Long đều có tế lễ ở Thái miếu và từ đường. Lễ Trừ tịch là một trong những nghi lễ được chi nhiều quan tiền để tổ chức. Trong khi nhà vua đến Thái miếu làm lễ Trừ tịch thì các quan văn, quan võ đều theo bồi tế. Ở miếu Triệu tổ, Hoàng khảo đều có các quan thực hiện lễ Trừ tịch.
Quan Hành khiển và Thái Tuế
Trong hệ thống Chiêm tinh học có sao Mộc (thường gọi là Mộc tinh), nhưng phổ biến nhất với người phương Đông biết đến dưới tên gọi sao Thái Tuế. Sao này quay một vòng quanh Mặt Trời hết 12 năm. Hàng năm, sao này đi qua một cung trên đường Hoàng đạo, tương ứng với 12 cung từ Tý đến Hợi. Cho nên khi Mộc tinh đi vào cung Tý thì năm đó gọi là năm Tý, tương tự, năm 2024 đi vào cung Thìn gọi là năm Thìn.
Mỗi năm mà sao Mộc tinh đi qua được gọi là sao Thái Tuế và được tôn là vị Hành khiển đương niên, hay Hành khiển thập nhị chi Thần. Với niềm tin phong phú về tín ngưỡng, đây không chỉ là 12 ngôi sao mà đã biến hóa tHành 12 vị Hành khiển (quan văn), Hành binh (quan võ) được gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển. Người ta tin rằng, 12 vị thần này sẽ thay mặt Ngọc Hoàng giám sát, trông coi mọi việc dưới trần gian.
Bên cạnh vị quan Hành khiển luôn có vị Phán quan đi cùng. Hành khiển sẽ thực thi mệnh lệnh của Ngọc Hoàng, còn Phán quan sẽ lo việc ghi chép công tội của người dân. Thay vì quan niệm về vị Thiện vị Ác thì nói đúng hơn, trong các vị quan, cũng có vị nhân từ, cũng có vị khắc nghiệt. Nếu năm đón được vị thần cương trực, nhân từ thì người dân khang thái, ninh an, ít thiên tai, bệnh dịch. Ngược lại, năm nào đói kém, tai ách triền miên thì người ta cho rằng đó là do vị Hành khiển giáng xuống.
Vương hiệu của 12 vị Hành khiển, Hành binh và Phán quan lần lượt như sau:
Năm Tý: Chu Vương Hành khiển, Thiên Ôn Hành binh chi thần, Lý Tào Phán quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành khiển, Tam Thập lục thương Hành binh chi thần, Khúc Tào Phán quan.
Năm Dần: Nguy Vương Hành khiển, Mộc Tinh Hành binh chi thần, Tiêu Tào Phán quan.
Năm Mão: TrịnhVương Hành khiển, Thạch Tinh Hành binh chi thần, Liễu Tào Phán quan.
Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hỏa Tinh Hành binh chi thần, Biểu Tào Phán quan.
Năm Tị: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hao Hành binh chi thần, Hứa Tào Phán quan.
Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, Thiên Mao Hành binh chi thần, Ngọc Tào Phán quan.
Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo Hành binh chi thần, Lâm Tào Phán quan.
Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu Hành binh chi thần, Tống Tào Phán quan.
Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Ngũ Nhạc Hành binh chi thần, Cự Tào Phán quan.
Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá Hành binh chi thần, Thành Tào Phán quan.
Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn Hành binh chi thần, Nguyễn Tào Phán quan.
Như vậy năm 2024 là năm Giáp Thìn, tương ứng với vị Sở Vương Hành khiển, Hỏa tinh Hành binh chi thần, Biểu Tào Phán quan.
Nghi thức cúng đêm Trừ tịch: Tiễn Hành khiển cũ, đón Hành khiển mới
Hàng năm, người dân thường thực hiện nghi lễ cúng Giao thừa ngoài trời. Đây chính là mâm lễ dùng để "tống cựu nghinh tân", tạm biệt vị Hành khiển năm cũ và đón chào vị Hành khiển năm mới. Mặc dù tùy vào văn hóa vùng miền có sự khác nhau, nhưng nhiều gia đình vẫn lựa chọn cúng Giao thừa ngoài trời để thể hiện tấm lòng thơm thảo, cũng như tôn trọng sự đưa đón này.
Thế nên, trong các bài văn khấn Giao thừa khi cúng ngoài trời, gia chủ sẽ khấn danh vị của quan Hành khiển, Hành binh cùng Phán quan của năm đó. Chưa kể, tương ứng các vị với năm con giáp, lễ vật dâng cúng như ngựa hay áo mũ đều phải đúng màu tượng trưng của Hành khiển năm ấy.
Dựa theo thập nhị địa chi (12 Địa chi) và tuân theo thuyết Ngũ hành: năm Canh, Tân thuộc hành Kim cúng màu trắng; năm Giáp, Ất thuộc Mộc cúng màu xanh; năm Nhâm, Quý thuộc Thủy cúng màu đen; năm Bính, Đinh thuộc Hỏa cúng màu đỏ; năm Mậu, Kỷ thuộc Thổ cúng màu vàng.
Lễ vật mâm cúng ngoài trời cũng có phần gọn gàng hơn trong bàn thờ Gia tiên, chẳng hạn như gà luộc, cháo, gạo muối, trầu cau, trà rượu, hoa quả, tiền vàng mã và bộ mũ áo. Theo thông tin trên, năm 2024 Giáp Thìn sẽ cúng ngựa và áo mũ màu xanh.
Ngoài ra, cũng có một vấn đề được nhiều người tranh cãi và thảo luận, đó là việc trong ngày ông Công ông Táo, nhiều người thường mua bộ mã gồm mũ áo, hia của Táo quân kèm theo một bộ mũ áo to của Quan Thần linh. Có hai quan điểm tranh luận như sau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong ngày tiễn ông Công ông Táo chỉ đốt bộ ông Táo, còn bộ của Quan thần linh để hôm cúng Giao thừa ngoài trời mới hóa. Quan điểm thứ hai cho rằng, ông Công ông Táo là gọi gộp của gia đình Táo quân (2 ông 1 bà) và Thổ Công, cho nên đều hóa hết 4 bộ ấy, đến Giao thừa sẽ mua bộ mũ áo của vị Hành khiển đương nhiệm để hóa. Cũng có ý kiến cho rằng, nhà nào có điều kiện thì hóa hết cả 4 bộ, đến hôm Giao thừa mua bộ mới.
Tuy nhiên, tìm hiểu về gia đình Táo quân để thấy rằng, việc gọi ông Công ông Táo là đã có sự gộp tích trong sự tích "2 ông 1 bà", trong đó bao gồm đã có Thổ Công (thần Đất). Cho nên, dù hóa mã như thế nào, thì trong ngày 23 tháng Chạp, người ta thường hóa bộ 3 mũ áo Táo quân, còn bộ mũ áo lớn thường để đến hôm lễ Trừ tịch. Bên cạnh đó, lễ vật ngày cúng Trừ tịch còn có thêm ngựa, cho nên việc chọn đúng màu sắc của bộ quan Hành khiển quan trọng hơn, cho nên gia chủ có thể căn cứ vào điều này để chọn mua đúng ngay từ đầu.
***
Nói một chút về tục cúng ngoài trời đêm Giao thừa cũng như ý nghĩa của lễ Trừ tịch để thấy, đây là nghi lễ đã ăn sâu vào tiềm thức dân gian. Ở đó, những nghi lễ này giúp người ta gửi gắm được ước mong của bản thân, là cầu nối giúp mỗi người dân thực hiện được tâm nguyện về một năm mới an khang, thịnh vượng. Cũng như hình ảnh đưa cũ, đón mới vị Hành khiển của năm, chẳng qua cũng là một hình thức để người dân gói gọn niềm tin của mình hướng về những điều tốt đẹp mà thôi.