Thập nhị nhân duyên
Đạo Phật, Tu tập
THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Muốn hiểu rõ 12 nhân duyên, bắt đầu chúng ta tìm hiểu nguyên nhân nào sinh ra ưu bi, sầu khổ, bệnh tử của con người. Ở đây nói nguyên nhân, tức là nói duyên nào sinh ra sự đau khổ của con người. Con người đau khổ không phải tự nhiên mà có đau khổ.
Cho nên đức Phật đã thấy rõ điều này, nên Ngài mới dạy cho chúng ta bài pháp 12 nhân duyên để chúng ta hiểu cuộc đời này không có cái gì xảy ra mà tự nhiên. Mọi sự xảy ra đều có duyên cả. Hễ có duyên này đến thì trước đó phải có một duyên khác. Ví dụ, hiện giờ thân đang bệnh khổ thì chúng ta biết ngay trước khi bệnh khổ là do chúng ta có đời sống nhà cửa, của cải, tài sản, ăn uống và chung sống với mọi người. Như vậy là do duyên SINH mà có ƯU BI SẦU KHỔ và BỆNH CHẾT.
Muốn hiểu rõ điều này, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật trả lời những câu hỏi của tu sĩ ngoại đạo Kassapa:
“Kassapa hỏi:
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự mình làm ra không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải vậy.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do người khác làm ra không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải vậy.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do mình, do người khác làm ra không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải vậy.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự nhiên sinh ra không?
Đức Phật trả lời:
- Không phải vậy.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không có không?
- Không phải khổ không có, khổ có, Kassapa ạ!
- Như vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ.
Đức Phật trả lời:
- Không phải ta không biết khổ, không thấy khổ, Ta biết khổ, Ta thấy khổ”.
(42 Tương Ưng tập 2)
Thông thường ai cũng hiểu rằng: Người ta đau khổ là do tự mình làm cho mình đau khổ hoặc do người khác. Thế mà ở đây đức Phật không chấp nhận KHỔ do mình, do người khác làm. Vậy khổ này do cái gì làm ra đây?
Chúng ta hãy bình tĩnh lắng nghe, đức Phật sẽ lần lượt chỉ dạy tường tận một thế giới quan tập khởi KHỔ của loài người. Nếu không học Phật thì không thể nào chúng ta biết. Nhờ có giáo lý đức Phật nên chúng ta mới hiểu khổ từ đâu mà có, không phải do chúng ta hay do người khác làm khổ. Vậy khổ do đâu mà có, chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi rồi lần lượt sẽ hiểu những gì đức Phật dạy, rất rõ ràng và cụ thể.
—o0o—
THƯỜNG KIẾN VÀ ĐOẠN KIẾN
Khi Kassapa hỏi bất cứ chỗ nào về “KHỔ”, thì đức Phật cũng phủ nhận: “Không phải vậy”. Vậy như thế nào đây?
Nên Kassapa không thể chờ lâu hơn nữa, liền hỏi Phật:
“- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói cho con hiểu về KHỔ.
- Này Kassapa, một người tự làm Khổ mình là “Thường Kiến”.
- Này Kassapa, một người làm Khổ người khác là “Đoạn Kiến”. Và tất cả những câu hỏi của ngươi đều là THƯỜNG KIẾN và ĐOẠN KIẾN”.
(42 Tương Ưng tập 2)
Thông thường, ai cũng hiểu khổ do mình làm ra hay người khác làm, thế mà ở đây đức Phật phá vỡ kiến chấp thường kiến và đoạn kiến này, vì những kiến chấp này sai, không đúng. Ngoài kiến chấp đoạn kiến và thường kiến khổ, thì còn có cái hiểu biết khổ nào khác hơn?
Đoạn kinh trên đây đã xác định cho chúng ta thấy, sự hiểu biết của con người thường bị rơi vào vào hai CỰC ĐOAN: thường kiến và đoạn kiến. THƯỜNG KIẾN là bị dính mắc vào chấp có; ĐOẠN KIẾN thường bị dính mắc vào chấp không.
Vì vậy trên đời này, nếu cái này có thì cái này không thể không, nếu cái kia không thì không thể cái kia có. Cho nên không có một vật nào vừa có, vừa không được, có là có, mà không là không. Đó là cái hiểu biết thông thường của con người, cái hiểu biết của họ không vượt ra khỏi hai cực đoan này. Vì cái hiểu biết như vậy, nên con người phải chịu khổ muôn đời, muôn kiếp. Thật đáng thương!
Sự giải thoát của Phật cũng lấy từ sự hiểu biết của con người. Từ xưa đến nay, vì sự truyền thừa sự hiểu biết sống trong ái dục, nên sự hiểu biết ấy toàn là đau khổ. Khi đạo Phật ra đời, đức Phật dạy chúng ta hiểu biết lìa xa tâm ái dục. Lìa xa tâm ái dục là lìa xa hai cực đoan thường kiến (CÓ), và đoạn kiến (KHÔNG). Vì vậy, sự hiểu biết này hoàn toàn đi đến giải thoát.
Bởi vậy, sự hiểu biết của con người rất quan trọng, do sự hiểu biết mà đời đời, kiếp kiếp phải chịu trong đau khổ. Cái hiểu biết của loài người hiện nay là cái hiểu biết theo truyền thống từ ngàn xưa, do thủy tổ của loài người để lại chỉ biết hiểu như vậy. Mãi đến khi đức Phật ra đời, Ngài tu hành chứng quả Vô Lậu, thấy biết vạn pháp trên thế gian này như thật, nên Ngài dõng dạc tuyên bố: “Còn có cái hiểu biết khác, cái hiểu biết không nằm trong hai cực đoan CÓ và KHÔNG, cái hiểu biết vượt ra ngoài vòng khổ đau. Đó là cái hiểu biết THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN”.
Như chúng ta đã biết, tất cả những câu hỏi của Kassapa đều nằm trong hai cực đoan “có” và “không”. Vì thế đức Phật trả lời: “không phải vậy”. Đó là đức Phật trả lời đúng, vì con người điên đảo nên không thấy 12 nhân duyên tập khởi khổ, mà cho rằng MÌNH TỰ LÀM VÀ NGƯỜI KHÁC LÀM KHỔ.
(Trích sách Mười hai cửa vào đạo, NXB Tôn Giáo - 2012, trang 13-18)
THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
LỜI PHẬT DẠY:
“Này Anandà, đừng nói thế! Đừng nói thế! Giáo lý duyên khởi này sâu xa, và có vẻ sâu xa hơn. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này, mà nhân loại trở nên như cuộn chỉ rối rắm, như ổ kiến rối, như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sanh tử”.
CHÚ GIẢI:
Con người trên hành tinh này khổ đau vì không thông hiểu sự kết hợp thành hình của vũ trụ, nên thường sống trong “tưởng tri”. Tưởng rằng: “Thế giới này là do một Đấng Sáng Tạo hay một ông Ngọc Hoàng Thượng Đế tạo ra vũ trụ và vạn vật”.
Họ cho rằng: Thế giới này là thế giới hữu hình, đang bị sự điều khiển, cai trị và xử phạt, hoặc ban thưởng do một thế giới vô hình khác. Đó là một sự giàu tưởng tượng của con người, chứ kỳ thực không phải như vậy. Trên đầu của loài người không có thế giới siêu hình nào cai trị cả, mà chỉ có con người cai trị con người. Chỉ vì con người sống không có đạo đức, nên thường làm khổ mình, khổ người gây ra bao sự đau khổ và tang thương cho nhau, và làm bất an cho cuộc sống chung nhau, v.v..Vì thế, nên con người phải tự đặt ra pháp luật, để ngăn chặn những điều gây đau thương và tổn hại cho con người.
Thế giới quan của Phật giáo, không phải là một thế giới tưởng tri, như mọi người đã tưởng và đang sống trong tưởng tri đó. Thực tế, thế giới quan của Phật giáo là một thế giới duyên hợp do 12 duyên kết hợp mà thành.
Sáu căn tiếp xúc sáu trần lập thành sáu thức, đó là nơi nhân sinh quan và vũ trụ quan xúc chạm tạo ra môi trường sống của vạn vật. Cái nhìn vũ trụ quan của Phật giáo là cái nhìn vạn pháp vô thường, chẳng có một pháp nào là chân thật, thường hằng bất biến, thường thay đổi từng sát na. Đối với Phật giáo, vũ trụ quan không phải là một thế giới vật lí mênh mông vô tận ở bên ngoài, như mọi người đang cảm nhận và tư duy. Vì Phật giáo có khả năng nghe thấy và hiểu biết không có không gian và thời gian, cho nên vũ trụ quan của Phật giáo chỉ ở trên một tụ điểm của không gian và thời gian, từ đó nhìn thấy vạn pháp do 12 nhân duyên hợp lại mà thành. Còn ngược lại không có cái nhìn như Phật giáo nên tưởng nghĩ vũ trụ quan mênh mông, vô tận, vì thế loài người đang cố công tìm kiếm và nghiên cứu để biết nó cho rõ ràng. Nhưng sức con người có hạn, còn vũ trụ vật lí là vô hạn. Cho nên, sự tìm tòi nghiên cứu để hiểu biết về vũ trụ thì phải có một thời gian dài vô tận. Mà với trí thức hữu hạn, thì chúng tôi tin rằng sự nghiên cứu tìm hiểu về vũ trụ thì cái hiểu biết đó như hạt cát giữa sa mạc. Nghiên cứu tìm hiểu mà không biết điểm khởi đầu cho sự tìm hiểu thì không bao giờ hiểu được nó.
Từ khi có mặt loài người xuất hiện trên hành tinh này cho đến ngày nay, thường con người không ngừng tìm hiểu vũ trụ, nhưng cuối cùng cũng chẳng ai hiểu gì nhiều về vũ trụ cả. Chỉ toàn là tưởng tri, họ còn đang ở trong màn vô minh, đen tối. Xưa có những người cho rằng quả đất vuông, nhưng ngày nay quả đất tròn; xưa có những người cho rằng mặt trời đi chung quanh trái đất, nhưng ngày nay quả đất đi chung quanh mặt trời. Do thế, những điều con người hiểu biết chưa chính xác, sự hiểu biết ấy còn nhỏ nhoi, cái sai thì nhiều cái đúng thì ít. Còn vô lượng cái mà con người chưa biết đến. Vũ trụ mênh mông, vạn vật vô cùng. Muốn biết nó thì phải vượt ra ngoài nó.
Riêng thế giới quan của Phật giáo, là một thế giới quan rất thực tế trong cuộc sống của loài người. Qua cái nhìn thực tế ấy của Phật giáo thì thế giới quan của Phật giáo có 12 nhân duyên. Khi 12 nhân duyên này hợp lại thì thế giới thành hình. Thế giới thành hình thì sự khổ đau của muôn loài cũng theo đó mà có. Sự khổ đau này chính vì con người không hiểu rõ 12 nhân duyên. Do không hiểu rõ 12 nhân duyên này, nên cho thế giới này là thật có. Có cả hữu hình và siêu hình.
Muốn thoát ra mọi sự khổ đau này thì người ta chỉ cần phải thấy và hiểu biết 12 nhân duyên này đúng như thật. Vì có thấy như thật người ta mới không còn sống trong điên đảo tưởng, điên đảo tâm, điên đảo kiến, điên đảo tình, v.v.. Khi đã hiểu biết rõ 12 nhân duyên này thì đời sống không còn rối rắm như cuộn chỉ, như cỏ babaja, v.v.. Như lời đức Phật dạy ông Anandà: “Này Anandà, đừng nói thế! Đừng nói thế! Giáo lý duyên khởi này sâu xa và có vẻ sâu xa hơn. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này, mà nhân loại trở nên như cuộn chỉ rối rắm, như ổ kiến rối, như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sanh tử”.
Đúng vậy, chỉ vì con người không hiểu sự duyên hợp của 12 nhân duyên tạo thành thế giới này, nên sinh ra nhiều thứ điên đảo như:
1/ Điên đảo tưởng có thế giới siêu hình.
2/ Điên đảo tưởng các pháp thế gian là chân thật, là có thật.
3/ Điên đảo tưởng có cái ta, có cái của ta và bản ngã của ta… là chân thật có.
4/ Điên đảo tưởng tâm này có thật nên buồn vui, sầu khổ, giận hờn, thương ghét… là chân thật có.
5/ Điên đảo tưởng thân này là thật nên bệnh đau, tai nạn là chân thật có.
6/ Điên đảo tưởng cho vàng, bạc, ngọc, ngà, châu báu… là chân thật có.
Mọi vật trên thế gian này có được là do 12 duyên này hợp lại mà thành, khi 12 duyên này tan rã thì mọi vật trở về không. Nghĩa là trên thế gian này không có một vật thường còn, vĩnh viễn; không có một vật gì còn mãi mãi. Nếu không có 12 duyên hợp thì thế gian này là trống không. Thế gian này trống không thì không thành là thế gian nữa. Cho nên, khi thấu rõ 12 nhân duyên này thì người ta biết mọi vật trên thế gian này không có vật gì thường hằng, bất di bất dịch cả. Vì thế, không có vật gì là ngã, là của ta và cũng không có vật gì là bản ngã của ta cả.
Khi hiểu được 12 nhân duyên như vậy, thì chúng ta không còn tham đắm và chấp trước một vật gì trên thế gian này nữa cả. Do không còn tham đắm và chấp trước một vật gì, thì tâm hồn chúng ta lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự thì không còn tương ưng với dục và ác pháp thế gian nữa. Vì thế, con đường sinh tử luân hồi chấm dứt.
Thưa các bạn, lời dạy này có đúng chăng? Xin các bạn phải tư duy nhiều hơn nữa, để thấu triệt lời dạy này. Khi đã thấu triệt thì các bạn có cần gì tu tập nữa đâu. Thấu triệt, có nghĩa các bạn đã hiểu như thật. Do hiểu thế giới duyên hợp này như thật thì tâm tham, sân, si của các bạn không còn nữa. Khi hiểu như thật thì các bạn còn tham cho ai đây? Phải không các bạn? Khi hiểu như thật thì các bạn sân cho ai đây? Khi hiểu như thật thì các bạn si, mạn, nghi cho ai đây? Phải không các bạn?
Những người đang sống trên thế gian này, mà muốn con đường sinh tử luân hồi được chấm dứt, thì phải thông hiểu và thấu suốt 12 nhân duyên, tức là thấu suốt thế giới quan của Phật giáo. Thấu suốt được thế giới quan của Phật giáo thì tâm hồn không còn tham đắm và chấp trước mọi vật trên thế gian này nữa như đã nói ở trên. Những người thấu suốt được như vậy, thì lậu hoặc không còn, nên gọi là bậc A La Hán Duyên Giác.
Do sự thông hiểu, tường tận thế giới quan của Phật giáo như thật, nên tâm tham đắm, dính mắc không còn như trên đã nói. Tâm tham đắm dính mắc không còn, thì lậu hoặc sẽ được quét sạch. Lậu hoặc được quét sạch thì chứng quả A La Hán ngay liền.
Thưa các bạn! Tại sao chỉ cần thông suốt lý 12 nhân duyên như thật là chứng quả A La Hán mà không thấy tu tập gì cả?
Thưa các bạn! Khi thông hiểu 12 nhân duyên như thật thì cuộc sống trong thế gian này, không còn có nghĩa lý gì cả các bạn ạ! Chỉ thấy nó như là một cơn ác mộng mà thôi. Vì thế danh, lợi, sắc, thực, thùy không còn quan trọng với họ nữa, chỉ là những ảo giác, cám dỗ của nhân quả, để dẫn dụ lôi cuốn các bạn chìm đắm trong khổ đau và mãi mãi luân hồi muôn kiếp.
Mười hai nhân duyên này hợp tan tạo nên hình hài của vạn hữu giống như sóng biển, chẳng có gì là hạnh phúc, an lạc, là êm ấm, đẹp đẽ cả… Cho nên người nào hiểu rõ được 12 nhân duyên này như thật, thì họ buông bỏ vật chất tiền tài danh lợi trên thế gian này như ném bỏ một chiếc giày rách, một vật phế thải không còn dùng vào một việc gì được cả.
Do buông bỏ tất cả, không còn chút xíu nào tiếc rẻ, ngay cả thân tâm của họ mà họ cũng không còn tiếc. Có một câu chuyện buông bỏ tuyệt vời: “Trên núi cao thanh vắng vùng Hy Mã Lạp Sơn có một vị ẩn sĩ tu hành đã chứng quả A La Hán. Nhiều người được biết đến, dù ở cách xa muôn ngàn vạn dặm, người ta vẫn tìm đến Ngài và cầu xin làm đệ tử. Ngài vui vẻ chấp nhận, nhưng phải trèo lên mỏm đá cao cheo leo trên kia và dám nhảy xuống thì Ngài nhận làm đệ tử liền. Mãi đến nay chưa có người nào dám lao mình xuống vực thẳm”. Đứng trên núi cao nhìn xuống vực thẳm, mà lao đầu xuống thì ai cũng ớn lạnh. Phải không các bạn?
Như vậy, rõ ràng người ta chưa dám buông bỏ. Chưa dám buông bỏ là người ta còn thấy thân tâm này chân thật. Còn thấy thân tâm này chân thật là còn thấy vạn vật trong thế gian này là chân thật. Do còn thấy như vậy, nên các bạn muốn tu giải thoát thì phải sống đúng giới luật và tu tập theo 37 phẩm trợ đạo. Người tu tập như vậy thì không phải người giác ngộ 12 nhân duyên. Người giác ngộ 12 nhân duyên thì họ không tiếc rẻ một vật gì trên thế gian này, ngay cả thân mạng của họ như trên đã nói, thì tâm hồn họ như thế nào các bạn? Thanh thản, an lạc và vô sự các bạn ạ! La Hầu La con của đức Phật khi nghe nói thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì Ngài trở về thất tu tập không đi khất thực nữa. Bởi vì Ngài nghĩ thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì đi khất thực nuôi ai đây. Đúng vậy, Ngài là bậc Duyên Giác A La Hán, là con Phật. Còn bây giờ chúng ta thì sao? Là con Phật (Phật tử) mà sao thích nói chuyện quá vậy? Nói chuyện có ích lợi gì các bạn?
Khi họ buông xả sạch, không còn tiếc rẻ một vật gì ngay cả bệnh tật khổ đau nhức nhối trong thân, họ cũng buông bỏ chẳng hề sợ hãi, ưu tư và lo lắng nữa. Người ta buông bỏ như vậy thì tâm hồn của họ bất động. Phải không các bạn?
Khi tâm hồn họ bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì có 7 năng lực Giác Chi xuất hiện. Dù chúng ta chưa tu tập Tứ Chánh cần, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm, mà chỉ cần giác ngộ 12 nhân duyên thì tâm trạng của chúng ta cũng giống như tâm trạng tu tập Tứ Niệm Xứ vậy.
Do viên mãn tu tập Tứ Niệm Xứ mà chúng ta nhập các định và thực hiện Tam Minh dễ dàng. Còn ở đây chúng ta chỉ giác ngộ 12 nhân duyên, buông xả sạch vật chất thế gian thì tâm trạng chúng ta cũng giống như người tu Tứ Niệm Xứ đã làm sung mãn Tứ Niệm Xứ, do đó chúng ta cũng nhập các định và thực hiện Tam Minh dễ dàng. Như vậy, người tu tập Tứ Niệm Xứ chứng quả vô lậu A La Hán, thì người giác ngộ 12 nhân duyên cũng chứng quả vô lậu A la Hán như nhau. Họ cũng đầy đủ Tứ Như Ý Túc và cũng chấm dứt tái sanh luân hồi.
Cho nên, đức Phật dạy: “Này Anandà, đừng nói thế ! Đừng nói thế ! Giáo lý duyên khởi này sâu xa và có vẻ sâu xa hơn. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này, mà nhân loại trở nên như cuộn chỉ rối rắm, như ổ kiến rối, như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sanh tử”. Xem thế chúng ta mới thấy 12 nhân duyên là một pháp môn quan trọng vô cùng. Cho nên, bước đầu vào học và hiểu chân lý thứ nhất của Đạo Phật. Ngài đã xác định “Đời Là Khổ”.
Vì các pháp trên thế gian này là do các duyên hợp mà thành, có pháp nào chân thật đâu? Thế mà mọi người không chịu buông bỏ xuống. Ôi! Con người quá điên đảo, ngu si cứ lao đầu vào ảo ảnh mà cho rằng: các pháp như thật có, chân thật có, sao lại nay còn, mai mất? Chân thật hạnh phúc, an lạc sao lại nay hạnh phúc, an lạc mà mai lại khổ đau, buồn rầu? Vì không hiểu biết các pháp do duyên hợp tạo thành, nên rối rắm như cuộn chỉ, lầm chấp cho các pháp là thật có, nên để rồi phải chịu khổ đau như loài thiêu thân thấy ánh sáng lao đến để tìm hạnh phúc.
Mười hai nhân duyên gồm có:
1- Duyên Vô Minh; 2- Duyên Hành; 3- Duyên Thức; 4- Duyên Danh sắc; 5- Duyên Lục nhập; 6- Duyên Xúc; 7- Duyên Thọ; 8- Duyên Ái; 9- Duyên Hữu; 10- Duyên Thủ; 11- Duyên Sanh; 12- Duyên ưu bi, sầu khổ, bệnh chết.
Trong 12 duyên này, hễ có duyên này có thì duyên kia có, hễ duyên này diệt thì duyên kia diệt.
Giáo lý Nguyên Thuỷ có hai ngõ vào:
- Ngõ thứ nhất, là vào duyên SANH đột phá bằng giới luật và 37 phẩm trợ đạo như những bậc Thinh Văn A La Hán.
- Ngõ thứ hai, là vào duyên THỌ đột phá bằng bất động tâm như những bậc Duyên Giác A La Hán, Độc Giác Phật.
Giáo lý Đại Thừa có một ngõ vào, đó là vào duyên VÔ MINH đột phá bằng MINH như những bậc Bồ Tát, ngõ này chỉ là ảo tưởng nên các vị Bồ Tát chưa nếm được mùi vị giải thoát.
Thưa các bạn! Sau khi nghiên cứu và quán xét 12 nhân duyên này xong thì các bạn thấy rõ con đường giải thoát của Phật giáo là đạo đức nhân bản - nhân quả.
Chánh pháp của Phật đây rồi! Thế có ai biết! Biết, sao các bạn không dám buông bỏ xuống!?
Có buông bỏ xuống thì các bạn mới thấy rõ: đâu là ảo ảnh của hạnh phúc và đâu là chân thật của hạnh phúc!
(Trích sách Những lời gốc Phật dạy - Tập 3, NXB Tôn Giáo - 2011, trang 17-29)
THỨC TRONG 12 NHÂN DUYÊN
VÀ THỨC NÀO LÀ LINH HỒN
Câu hỏi của Diệu Tâm
HỎI: Kính bạch Thầy! Xin Thầy chỉ dạy “Thức” trong 12 nhân duyên và “thức” nào mà người vô minh cho là linh hồn? Họ dựa vào gì?
ĐÁP: Trong 12 nhân duyên có 3 thức:
1- Thức là thức uẩn.
2- Danh là tưởng uẩn còn gọi là tưởng thức (cái thức trong giấc mộng).
3- Sắc là sắc uẩn còn gọi là sắc thức, sắc thức gồm có sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Người đời vô minh không rõ cho tưởng thức là linh hồn dựa vào những hiện tượng phi không gian và thời gian của tưởng thức tạo ra sắc tưởng như ánh sáng, lửa hay những hình bóng mờ mờ ảo ảo, v.v.. thanh tưởng như âm thanh tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng rên, v.v.. hương tưởng như mùi thơm, mùi thối, v.v.. vị tưởng như mùi vị ngon ngọt, cay, đắng xuất phát từ trong miệng của mình, v.v.. xúc tưởng như cảm giác mát mẻ, nóng nực, khinh an, hỷ lạc, v.v.. pháp tưởng như sự hiểu biết về các pháp tưởng v.v.. như Tổ Long Thọ tưởng ra trí tuệ Bát Nhã Chân Không, Phật Tánh v.v.. hoặc nói chuyện quá khứ vị lai của người chết hoặc người đang sống rất đúng. Do những hiện tượng này, nên tưởng tri của loài người dựng ra có thế giới siêu hình và cho tưởng thức là những con người vô sắc (linh hồn) sống trong thế giới đó.
Trong 12 nhân duyên thì duyên “danh sắc” là một duyên mà chiếm hai thức, đó là sắc thức và tưởng thức. Do sự tu tập nhập Tứ Thánh Định, tịnh chỉ các thức, mới biết rõ 12 nhân duyên có ba thức chứ không có nhiều thức như các nhà Duy Thức phát triển chia chẻ đặt ra làm cho người sau khó hiểu.
Các nhà kinh sách phát triển cho ý thức không niệm thiện niệm ác là Phật Tánh, đó là một điều lầm lạc, và quá sai do lạc vào tưởng tuệ tạo ra Tánh Thấy, Tánh Biết, Tánh Nghe… Xin quý vị cứ suy ngẫm kỹ, nếu xét đúng thì tin chúng tôi, còn nếu thấy chúng tôi nói sai thì đừng tin.
Chúng tôi nói ở đây không phải tự nói mà không thấy, chúng tôi thấy biết rất rõ mới nói và nói ra không phải chỉ có một mình chúng tôi nói mà đức Phật đã nói cách đây 2550 năm, Vì vậy những điều chúng tôi nói là lập lại của đức Phật qua sự chứng thật của mình.
Vì vậy, quý vị tin là có lợi ích cho quý vị, còn không tin thì thôi và quý vị sẽ bị người khác lừa đảo “Tiền mất tật mang và phí công vô ích”.
Tóm lại, thân người có 3 thức, không có linh hồn. Khi người chết đều tan hoại tất cả không còn một vật gì tồn tại chỉ còn nghiệp thiện ác do trong lúc sống gây tạo ra do lòng ham muốn.
(Trích sách Đường về xứ Phật - Tập 9, NXB Tôn Giáo - 2011, trang 226-229)