Nguồn gốc ngày Tết ông Công ông Táo
Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt cổ chuyển hóa thành sự tích “Hai ông một bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Sự tích kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy hai người có tình cảm mặn nồng nhưng mãi không có con. Vì dậy, Trọng Cao hay kiếm chuyện, dằn vặt vợ. Một lần Trọng Cao gây sự đánh Thị Nhi và đuổi đi. Thị Nhi không có chốn ở, lang thang đến xứ khác và gặp được Phạm Lang. Hai người phải lòng rồi thành vợ chồng.
Trọng Cao sau đó ân hận đi tìm vợ. Sau nhiều ngày tìm kiếm vợ, tiền hết, gạo hết, Trọng Cao phải đi ăn xin. Tình cờ, Trọng Cao ăn xin đúng nhà Thị Nhi. Nhận ra chồng cũ, lại đúng lúc Phạm Lang đi vắng nên Thị Nhi đã mời Trọng Cao vào nhà, nấu cơm cho ăn. Thấy Phạm Lang đi làm về, sợ chồng nghi ngờ nên Thị Nhi giấu Trọng Cao trong đống rơm.
Đêm đó, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rơm lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Thị Nhi hoảng hốt lao vào để cứu chồng cũ. Thấy vợ mình nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ nên cũng nhảy theo khiến cả 3 người cùng chết trong đống lửa. Cảm động trước tình cảm của 3 người, Ngọc Hoàng đã phong cho họ làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo quân.
Người chồng mới làm Thổ công trông coi việc trong bếp. Người chồng cũ làm Thổ địa trông coi việc trong nhà. Còn người vợ làm Thổ kỳ trông coi việc chợ búa. Không chỉ định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo quân còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.