“Căn đồng” là một trong những hiện tượng mà rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là những tín đồ theo Đạo Mẫu Tứ Phủ. Tuy vậy hiện nay không phải ai cũng biết chính xác về khái niệm này và vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng đây là một hình thức mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh. Tusachxua đã tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau để giúp bạn đọc có được một cái nhìn khách quan và thấu đáo về vấn đề này.
1. Căn đồng là gì?
Căn đồng, căn quả, căn số đều là những danh từ cùng chung ý nghĩa, ý nghĩa đó là gì? Nội dung sau đây sẽ chỉ ra điều đó.
Căn là gốc cây, là rễ cây, còn có nghĩa là nguyên nhân, căn do của sự vật, sự việc, hiện tượng.
Số là những biểu hiện, những tác động của các sự vật, sự việc, hiện tượng bên ngoài vào một chủ thể sự sống bao gồm cả con người và các sinh vật có sự sống khác, chủ thể này có thể là một cá thể, hay một nhóm cá thể, hoặc là cả một cả cộng đồng, đôi khi là cả trái đất và vũ trụ.
Quả là kết quả của tất cả những sự tác động bên ngoài đó lên một chủ thể sự sống kia. Quả là cái sẽ đến tất yếu nếu có “căn” kia.
Đồng có nghĩ là đứa trẻ, trong trắng ngây thơ không vết nhơ bẩn.
Tựu chung lại, căn đồng để chỉ con người có những nghiệp duyên, nghiệp chướng, hay nói khác đi là những tội lỗi, đã gây ra từ trước có thể kiếp trước, hoặc kiếp này, tới khi vận đến phải chịu hậu quả, phải đón nhận cái kết quả xấu mà mình đã tạo ra, phải chịu kiếp khổ sở. Những con người đó may mắn được các Thánh đức đoái thương, nên đã chấm chọn để các Thánh cứu vớt, cũng như thay mặt các Thánh làm việc cứu độ thế gian, làm phúc làm thiện bằng nhiều cách, để hòng chuộc lỗi lại cho bản thân, để đạt được an nhiên thanh thản trong đời sống hiện tại và viên mãn sau khi thoát sinh. Họ sẽ là những con người trong trắng giống như trẻ con, để cho các Thánh dẫn dẵn đi theo lí trí, lẽ phải, tình thương yêu cùng sự hiểu biết của các Ngài, bởi chỉ có sự xót thương, tình yêu thương của các Ngài cho bản thân người có căn đồng đó mới có thể thanh tẩy tâm hồn, thể xác, biến đổi cuộc sống của người đó, mới có thể cho họ có được phúc thiện một cách hoàn hảo để nhằm chuộc lại lỗi lầm của chính họ đã gây ra trong quá khứ.
2. Các biểu hiện của người có căn đồng:
Những người có căn đồng thường có những biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào mức độ căn số của từng người nặng hay nhẹ nhưng hầu hết là những người có cảm thụ tâm linh lớn. Một số những biểu hiện thường thấy ở người có căn đồng như sau:
-
- Người có căn đồng đôi khi có ảo giác, nằm mơ thấy đức Mẹ hoặc Tiên Thánh thần, có cảm giác có Thánh thần bên cạnh mình, ủng hộ và che chở cho bản thân.
-
Khi nhắc tới Thánh đức bản thân họ cảm thấy phấn chấn, hào hứng và nhiệt thành khi được đề cập tới những câu nói, những mẩu chuyện, những bài giảng về Tiên Thánh thần, họ cảm thấy như có một động lực thôi thúc họ chú ý lắng nghe, chiêm nghiệm, có khi là biểu đạt cảm niệm của bản thân về Thánh đức một cách rất hào hứng.
- Người có căn đồng khi tham gia các buổi hầu đồng, hầu Thánh, họ thường thấy tâm hồn lâng lâng, bay bổng, tinh thần phấn chấn và cảm nhận được sự đồng cảm qua những lời hát văn, lời tấu, lời thỉnh. Ở mức độ nặng hơn, họ có những hành động, cử chỉ và lời nói trong vô thức. Mặc dù vẫn nhận biết rõ mọi vật xung quanh nhưng không tự chủ được. Cái này còn gọi là sát căn, nghĩa là khả năng hấp thu tâm linh lớn.
- Một số người có căn đồng bị hành khiến cho gia đình bất an, tán gia bại sản. Cuộc sống xảy ra nhiều chuyện bất hòa, lao đao. Bản thân luôn bất an, ngày đêm lo lắng mà không rõ nguyên do, chỉ luôn thấy cảm giác bất ổn thường trực và lo sợ chuyện không hay xảy đến với mình.
- Có người nghiệp duyên nặng nề dẫn tới tâm hồn hoảng loạn, có thể bị điên, ăn nói lung tung, hay nói chuyện Thánh thần nhưng đôi lúc lại hoàn toàn bình thường.
- Có những căn đồng bị hành bệnh, giống như giả vờ, khi đưa đi chữa trị thì lại bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra.
- Có những người không bị hành bệnh, không có biểu hiện gì khác thường nhưng trong thâm tâm lại cảm thấy không ổn, nôn nao, bồn chồn không rõ nguyên nhân, luôn có lực nào đó thúc đẩy họ đến cầu Mẫu, xin Thánh thần.
Người có căn đồng có cuộc sống đời thường đa dạng, có thể xuất thân từ nhiều thành phần xã hội nhưng có điểm chung là đều trải qua thời gian bị hành mới biết đến Thánh đức của mình. Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa hiện tượng khách quan tự nhiên và người có căn số đang trong giai đoạn hành. Cần chú ý rằng người có căn đồng không chỉ đơn giản là nhận lộc Thánh, truyền lệnh Thánh hay hô mưa, gọi gió. Họ phải trải qua nhiều kiếp nạn, phải chịu thử thách để tìm đến con đường chính đạo. Khi xác định được như vậy thì mới không hiểu sai về quan niệm căn đồng và không làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu bị biến tướng theo hướng mê tín dị đoan.
Nguồn: Sách Cẩm Nang Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ
http://daomautuphu.com/Dao-hoc/Can-dong-va-bieu-hien-nguoi-co-can-dong.htm
Bí Pháp Đạo Cao Đài - Nguyên Thủy