TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THAM GIA CHU KỲ PISA 2018, 2021
Việt Nam đã tham gia 2 kỳ PISA “Programme for International Student Assessment – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế”. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia PISA 2012 đã lọt vào top 20 với kết quả: đứng thứ 17 lĩnh vực Toán học (lĩnh vực trọng tâm), đứng thứ 19 lĩnh vực Đọc hiểu, đứng thứ 8 lĩnh vực Khoa học trên tổng số 65 nước tham gia. Đến chu kỳ lần thứ 2 tham gia năm 2015, Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng cao, lọt vào top 10 với kết quả: đứng thứ 8 lĩnh vực Khoa học (lĩnh vực trọng tâm), đứng thứ 22 lĩnh vực Toán học và đứng thứ 32 lĩnh vực Đọc hiểu, trên tổng số 72 nước tham gia.
Mỗi Chu kỳ PISA thực hiện trong 3 năm. Việc tiếp tục tham gia chu kỳ PISA 2018, 2021 là theo lộ trình đã cam kết với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD), cũng như tất cả các quốc gia đã đăng ký tham gia PISA.
Chuẩn bị cho PISA 2018, Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Giáo dục tiến hành các công việc: Hoàn thiện thủ tục tham gia PISA chu kỳ 2018; Chuẩn bị dữ liệu các cơ sở giáo dục có học sinh tuổi 15 theo yêu cầu của OECD; Chuẩn bị khung mẫu khảo sát thử nghiệm và khảo sát chính thức; Tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật tổ chức triển khai PISA do OECD tổ chức; Đàm phán thích ứng về phiếu hỏi; Xây dựng Kế hoạch tổng thể tổ chức triển khai PISA… và hoàn thành tổ chức tập huấn Kỹ thuật khảo sát chính thức PISA 2018 cho Cán bộ quản lý và giáo viên các trường THCS, THPT vào tháng 4 năm 2018.
TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam tập huấn kỹ thuật khảo sát chính thức PISA năm 2018
Công việc khảo sát chính thức đã hoàn thành vào tháng 4/2018, với sự tham gia của 200 Hiệu trưởng, 7.000 học sinh của 200 trường tham gia. Các bước tiếp theo của chu kỳ PISA 2018 như Nhập dữ liệu, Chấm, Phân tích dữ liệu Khảo sát chính thức…. đang được hoàn thành theo kế hoạch.

Với kết quả thu được sau 3 kỳ tham gia PISA, chắc chắn Việt Nam học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức đánh giá kết quả học tập của học sinh diện rộng, các quy trình kỹ thuật đánh giá trên lớp học, đồng thời đánh giá thêm được một số năng lực khác để vận dụng vào quá trình đổi mới giáo dục đang diễn ra. Các dữ liệu thu thập được từ khảo sát của các chu kỳ sẽ đầy đủ và hữu ích khi kết nối với dữ liệu khảo sát của đánh giá quốc gia trong việc đưa ra các nhận định và các chính sách góp phần phát triển chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam, hỗ trợ cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
BAN QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH